KHOA THỦY SẢN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ

40 VÌ SỰ PHÁT TRIỂN NGHÀNH THỦY SẢN

 

Là một trong những đơn vị của Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Thủy Sản từ khi được thành lập đến nay với 40 năm hình thành và phát triển, đã và đang nổ lực không ngừng để thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững ngành thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long, cả nước và đồng hành cùng sự phát triển chung trong khu vực.

Khoa Thủy sản hiện có đội ngũ cán bộ với hơn 108 người, trong đó, có 57 cán bộ giảng dạy và trên 40 cán bộ nghiên cứu.  Đội ngũ cán bộ giảng dạy có 98% đạt trình độ Sau đại học, với 37 là Tiến sĩ 18 Phó Giáo Sư và 2 Giáo sư. 

Trong đào tạo, từ chỉ một ngành Nuôi trồng thủy sản bậc đại học trước đây, từ năm 2002 đến nay Khoa đã dần phát triển và hiện đào tạo 5 ngành cho bậc đại học, 2 ngành bậc cao học và 1 ngành bậc tiến sĩ. Các chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo luôn được đổi mới và cải tiến để đáp ứng nhu cầu của phát triển xã hội của vùng và phù hợp với những tiến bộ của thế giới. Đào tạo theo hệ thống tín chỉ, lấy người học làm trung tâm đang được áp dụng hiệu quả trong Trường và Khoa. Bên cạnh đào tạo lý thuyết, các chương trình và nôi dụng đào tạo luôn đặc biệt quan tâm  đến phát triển thực hành, rèn nghề, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển, Khoa đang tăng cường liên kết đào tạo quốc tế cho bậc đại học và sau đại học. Khoa Thủy Sản hiện nay đang phối hợp với Trường Đại học Auburn – Hoa Kỳ đào tạo “Chương trình tiên tiến ngành Nuôi trồng thủy sản” bậc đại học. Chương trình tiên tiến đã mang cho sinh viên tốt nghiệp nhiều kiến thức và kỹ năng phong phú, nhiều cơ hội rộng mở trong làm việc và tiếp tục học tập nâng cao hơn nữa ở trong và ngoài nước. Chương trình này đã được đánh giá và đạt chuẩn AUN. Bên cạnh đó, Khoa hiện cũng đang đẩy mạnh các chương trình đào tạo liên kết quốc tế cho các ngành bậc Cao học và Nghiên cứu sinh, làm cơ sở cho phát triển đào tạo quốc tế các ngành thủy sản trong thời gian tới. Với những nổ lực không ngừng trong phát triển và phục vụ, Khoa Thủy sản đã đào tạo hơn 4000 cựu sinh viên, học viên, và hiện nay có 1700 sinh viên đại học, 150 học viên cao học và 40 nghiên cứu sinh đang theo học các ngành. 

Bên cạnh đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng và là thế mạnh của Khoa, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vừa góp phần phát triển công nghệ cho các ngành thủy sản. Bên cạnh những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao như nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất giống và nuôi các đối tượng thủy sản với những thành tựu quan trọng như sản xuất giống và nuôi các loài cá tra, cá nhập nội, cá đồng, tôm càng xanh, tôm sú, cua biển, cá nước lợ…, hiện nay, Khoa đã đẩy mạnh phát triển các nghiên cứu mang tính nguyên lý và chuyên sâu như sinh học, sinh lý, sinh hóa, bệnh, di truyền, dinh dưỡng thủy sinh vật làm cơ sở nền tảng cho phát triển hơn nữa các nghiên cứu ứng dụng trong thủy sản. Khoa cũng đẩy mạnh hướng nghiên cứu về môi trường và nguồn lợi thủy sản; các vấn đề kinh tế xã hội, kinh tế tài nguyên; các vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đến thủy sản và biện pháp thích ứng; cũng như các vấn đề phát triển thủy sản bền vững. Bên cạnh nghiên cứu thủy sản nước ngọt và lợ trong nội địa, Khoa đang đẩy mạnh hướng nghiên cứu nuôi hải sản và tài nguyên sinh vật biển, nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ tài nguyên vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long. Các cấp đề tài nghiên cứu của Khoa đa dang, từ cấp Trường, cấp Bộ, cấp tỉnh, nhà nước hay đề tài hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn 2010-2015, đã có gần 150 đề tài các cấp được thực hiện, đặc biệt, đề tài hợp tác quốc tế là thế mạnh của Khoa. Nghiên cứu Khoa học luôn gắn liền với phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tao sau đại học cho cán bộ và học viên; xuất bản công trình nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước; phát triển qui trình công nghệ; hội thảo- tập huấn - chuyển giao kỹ thuật trong và ngoài nước.   Nhằm đẩy mạnh chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ, hàng năm Khoa luôn xúc tiến các hoạt động tập huấn, chuyển giao các công nghệ với hàng chục khóa cho 500-1000 học viên.  Các khóa tập huấn, chuyển giao công nghệ được thực hiện phong phú và đa dạng, gồm tập huấn cho học viên trong nước và quốc tế, nhất là từ các nước Đông Nam Á và các nước Châu Phi; tập phuấn cho cán bộ hay nông dân; tại các trạm, trại, phòng thí nghiệm của Khoa hay tại địa phương; tập huấn vừa kết hợp lý thuyết với thực tập, thực hiện mô hình trình diễn và tham quan; các lĩnh vực tập huấn cũng đa dạng, nhất là các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thủy sản, môi trường và quản lý dịch bệnh thủy sản. Hoạt động này càng làm tăng cường vai trò và mối quan hệ của Khoa đối với các địa phương và sự phát triển của ngành thủy sản trong vùng ĐBSCL, cả nước và khu vực.

Hợp tác là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và là thế mạnh của Khoa, nhằm tận dụng tối đa tiềm lực tiên tiến trên thế giới cho sự phát triển nguồn lực, công nghệ và phát triển kinh tế xã hội cho vùng; đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của Trường - Khoa đối với các đối tác.  Hiện nay, Khoa có quan hệ hợp tác mạnh các cơ quan các tỉnh ĐBSCL, mạng lưới VIFINET, các công ty trong vùng, với hơn 30 Viện, Trường, Tổ chức quốc tế, và đặc biệt là thành viên năng động của ASEAN-FEN và VLIR-Vietnam Network. Các hoạt động chính của hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nâng cao năng lực cho cán bộ Khoa, đào tạo sinh viên- học viên, nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất, hội thảo, xuất bản…

Trong xu hướng phát triển, Khoa Thủy sản với thế mạnh và thuận lợi hiện nay, sẽ tập trung toàn lực và đồng bộ cho hoạt động đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu chuyên sâu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thủy sản, đồng thời gắn liền với việc ứng phó hiệu quả các vấn đề mới nổi lên như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường… Khoa sẽ là đối tác tin cậy và là cầu nối quan trong, hiệu quả cho các đối tác trong và ngoài nước.

Với sứ mệnh “Đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho sự phát triển bền vững ngành thủy sản”, tập thể cán bộ và sinh viên Khoa Thủy sản đã và đang nổ lực phấn đấu để thực hiện tốt mục tiêu trên, góp phần thiết thực vào sự phát triển ngành Thủy sản vốn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn ở ĐBSCL và cả nước; đồng thời góp phần xây dựng Trường Đại học Cần Thơ thành Trường đại học xuất sắc như mục tiêu năm 2020 và tầm nhìn 2030 mà nhà Trường đã đề ra.

 

 

 


Số lượt truy cập

2534858
Hôm nay
Lượt truy cập
447
2534858